Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Păng xê dễ trồng

Nhà bạn có hoa păng xê này không?

Hoa này trong Sài Gòn mọi người gọi là păng xê, nhưng ở Hà Nội, người ta gọi nó là hoa mắt nai. Bạn thấy lạ không?

Hoa có thể có màu xanh dương đậm lạ mắt hoặc hồng tươi lãng mạn, trồng rất đẹp. Cây này  dễ trồng lắm. Bạn có thể dùng chậu to, chậu nhỏ, thùng xốp hay bất cứ thứ gì chứa được đất, cho vào đó một ít đất và trồng cây vào.


Xung quanh chỗ bạn trồng nên có nhiều chậu cây khác. Vì sao ư? vì cây sẽ tự sinh sản bằng cách thả rơi hạt theo gió. Sau khi cây già, hoa của nó khô lại, bạn có thể thu hoạch hoa và lấy hạt nhỏ bên trong để gieo lại. Sau một thời gian (chỉ vài tuần hoặc một hai tháng thôi) cây con sẽ nảy mầm và ra hoa mới.

Với păng xê bạn sẽ dễ dàng có những chậu cây nhiều màu sắc và xinh xắn

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Cách trồng chanh dây

Những ngày này, thời tiết thật oi bức. Đi đâu dưới trời nắng, ghé vào quán gọi 1 ly sinh tố chanh dây thì thiệt là quá đã! Còn gì hơn cảm giác thưởng thức thứ nước uống chua chua, ngọt mát, thơm dìu dịu mà lại còn vô cùng tốt cho sức khỏe của bạn. Nhưng khi muốn thưởng thức thì lại phải xách xe ra quán sinh tố hay chạy ra chợ mua vài trái chanh dây thì cũng hơi phiền bạn nhỉ? Vậy hãy cùng Saigon Garden tự trồng chanh dây tại nhà. Đơn giản - Dễ dàng - Tiện lợi - Tiết kiệm chi phí bạn nhé!

Trồng cây: có 2 cách
Cách 1:
-Mua 1 trái chanh dây làm giống, lựa trái già một chút, cắt đôi, lấy hạt gieo vào chậu đất đường kính khoảng 30 cm. Sau đó, bạn phủ một lớp đất mỏng lên trên hạt. Tưới nước đủ ẩm cho cây nảy mầm. 

-Chọn lọc cây con tốt, khỏe để giữ lại trồng. Những cây còn lại thì bỏ đi (hoặc cho bạn bè, hàng xóm : ) ). Tránh gieo nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây. Mỗi chậu khoảng 2-3 cây con là tốt nhất.
Lấy hạt giống
Cách 2:
-Mua sẵn cây giống ngoài tiệm cây, về cho đất vào chậu và trồng thôi (cách này tiết kiệm thời gian nhưng lại không có được cái thú nhìn ngắm cây lớn lên từng ngày )


Cây con made in Saigon Gadern :)

Làm giàn leo: Với 2 cách này, các bạn đều phải làm giàn leo cho chanh dây. Làm giàn có ưu điềm là dễ chăm sóc, vì thân dây leo, lá, trái đều bám trên một đường thẳng nên rất dễ theo dõi, từ việc tưới tiêu đến tỉa cảnh - lá, phát hiện sâu bệnh. Bạn có thể làm giàn bằng dây điện, sắt hay gỗ đều ok. Tùy theo túi tiền và khả năng sáng tạo của từng người.



Gian chanh dây che bóng mát

Lá rộng bản & có màu xanh non

Hoa màu tím rất đẹp
Trái non đầu tiên
Bón phân:  Ngoài chế độ chăm sóc thường xuyên như làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, cần bón thêm phân cho cây sau mỗi đợt thu hái và tỉa cắt, nhằm tạo điều kiện cho cây nhanh chóng hồi phục và bù đắp dinh dưỡng đảm bảo cho một đợt ra cành và hoa mới.
Theo kinh nghiệm của Saigon Gadern, bón phân đạm, kali và bánh dầu cây sẽ xanh tốt, đơm hoa nhiều và rất sai quả.

Chúc các bạn thành công nha !!!


Thành phẩm thu được





Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Bạn đã thấy hoa sam có hai màu chưa????

Hoa mười giờ sam rất dễ trồng. Hai điều chú ý duy nhất là bạn hãy cho cây ra nắng và đừng để cây bị úng nước. Cây sẽ nở hoa và làm cho vườn nhà bạn tràn ngập sắc màu. Khu vườn nhỏ nhà tôi trồng hai loại sam màu đỏ và màu vàng. Khi trồng gần nhau, thỉnh thoảng tôi phát hiện thấy có hoa 2 màu, một nửa đỏ, một nửa vàng. Trông thật lạ mắt đúng không?

Bạn có thấy hiện tượng tương tự trong khu vườn nhỏ của mình không?

Nếu có hình ảnh hoặc kinh nghiệm thú vụ về làm vườn, hãy chia xẻ với chúng tôi bạn nhé.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Bạn đã thấy hoa rau muống chưa?

Cây rau muống này tôi trồng lâu rồi và đã ngắt ngọn ăn nhiều lần. Sáng nay, khi ra sân tưới nước, tôi phát hiện một bông hoa rau muống trắng muốt thật đẹp. Nếu nhà bạn cũng có hoa xinh, hãy cùng nhau chia xẻ nhé.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Hệ thống tự động tưới nước đơn giản và dễ thực hiện

Hệ thống thật đơn giản mà lại vận hành rất hiệu quả và tiết kiệm nước. Sau 3 tuần, cây lớn lên trông thấy mà vẫn chưa hết 1 chai nước.
Nếu sử dụng hệ thống này, bạn chỉ cần ngồi ngắm cây lớn mà thôi, 1 tháng tưới 1 lần là đủ rồi.

Cảm ơn bạn Trúc Phong đã chia xẻ hình ảnh về hệ thống này.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Nguyên tắc phối cây trong chậu

Nguyên tắc 1: Chủ - Chen - Chùng

Hôm rồi tình cờ đọc trên mạng và được biết một số ‘chị em’ đã đặt tên cho những cái chậu phối cây trồng là ‘Chủ - Chen – Chùng’ – rất thông minh ! Và xét về khía cạnh ngôn ngữ học thì việc đặt tên như vậy là rất tốt: đúng thực tế, bình dân và dễ nhớ!
Vậy, Chủ - Chen – Chùng là gì ?

Đó là nguyên tắc phối cây cơ bản khi triển khai trồng nhiều loài cây trang trí trong 1 chậu. Trong một chậu phối, mỗi loại cây, mỗi vị trí cần được cân nhắc lựa chọn cân đối với tổng thể chung: sao cho khi ra đời nó tạo được ấn tượng tốt về thị giác.
Về mặt sinh học: không bàn nữa: nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là các loài cây trong 1 chậu phải có những yêu cầu chăm sóc gần như nhau. Bởi nếu quá khác biệt về các nhu cầu sinh học: tất cả sẽ không thể sống cùng nhau thật tốt trong 1 ngôi nhà chung – trường hợp này là cái chậu chung.
Một chậu cây phối thông thường sẽ cần 3 yếu tố cây cơ bản:
Cây Chủ: đây là điểm nhấn của chậu. Vì đóng vai trò điểm nhấn: nó phải có sự đặc biệt. Điểm đặc biệt có thể là chiều cao, hình dáng hay màu sắc đặc biệt của lá, đường nét của cành nhánh, hoặc có những chum hoa mà khi nở tạo ấn tượng thị giác đặc biệt cho tổng thể của toàn chậu hoa.
Ví dụ: ở cái chậu này: Chủ là loại cây lá đỏ - quanh năm đỏ tươi như vậy, và nó được tính toán sẽ cho phát triển cao hơn, vượt hơn các cây còn lại – để giữ vai trò điểm nhấn thị giác của chậu cây.

Cây Chen: khác với cây Chủ, cây Chen là yếu tố ‘phụ trợ’ cho vật chủ. Nó đóng vai trò quan trọng với tác dụng che đậy, lấp khuất đi những chỗ, những phần không gian chậu bị bỏ trống, nó giúp che phần gốc cây chủ mà những chỗ này nếu để lộ ra: sẽ khiến chậu cây mất đi sự hấp dẫn, mất đi cảm giác về sự xanh tốt tràn đầy sức sống hoặc hiện ra những phần nền đất đen trông xấu xí. Nó ‘chen’ vào cây chủ và chịu trách nhiệm làm phông nền để tôn vinh cây chủ - một trách nhiệm nặng nề và cao thượng.
Vì vậy, việc chọn cây Chen không thể qua loa và đơn giản: nó thường có đường nét, màu sắc đơn giản, thanh mảnh nhưng rậm rạp. Có thể có hoa nhưng khi nở hoa không đươc lấn át cây chủ. Tùy ý tưởng thể hiện mà cây chen có thể có cùng tông màu với cây chủ, mà cũng có thể hoàn toàn trái ngược về tông màu với cây chủ.
Trong trường hợp ví dụ trên: cây chen là một bụi hoa chùm cũng màu đỏ - thực tế nó rất rực rỡ nhưng nó thấp, được tỉa cắt thành bụi để che đi phần gốc của cây chủ sau này sẽ mọc vươn cao – dự kiến sẽ gấp rưỡi chiều cao của cây chen. Khi nở hoa đỏ: nó cũng không lấn át được cây chủ. Còn khi không có hoa: nó chỉ có lá xanh và càng làm cây chủ màu đỏ thêm nổi bật.
Cây Chùng: hiểu theo đúng nghĩa: là chùng xuống. Cây chùng là những loại cây có khả năng mọc bò, mọc thả từ trên cao xuống. Để làm đẹp cho phần thân chậu cây, cũng như khiến cho tổng thể chậu trông mềm mại: phần gốc của chậu phối thường được trồng thêm một hoặc vài ba loại cây chùng: chúng mọc bò tràn che nốt phần mặt đất của chậu cây, và sau đó tiếp tục phát triển vươn dài, bò tràn khỏi miệng chậu và tạo thành những dây, những dải chùng dài xuống.
Trong ví dụ này: đó là Mười giờ cam – một loại cây có khả năng bò lan và bò thả chùng rất tốt. Hoa được chọn có màu Cam để làm giảm đi phần nào ‘biên độ nhiệt’ của tổng thể chậu: Chủ - Chen đều đỏ tươi. Cây thứ hai là một loại cây bò lá đỏ nhưng không thắm và có phần đốm xanh không nổi bật. Nó cũng có khả năng bò tràn không dài bằng mười giờ, nhưng lại có hiệu ứng bò thành mảng lớn ken đặc – sẽ góp phần làm thành chậu cây thêm hấp dẫn.
Thấy rõ cả 2 chủng loại cây chùng đều có lá nhỏ hẹp – để dù mọc tốt và tạo mảng chùng lớn ở các thành chậu: chúng cũng không thể hút được mắt nhìn khỏi điểm nhấn cây Chủ của chậu cây
.

Tự làm chậu cây độc đáo bằng xi măng




Nói đến bê tông nhiều người liên tưởng ngay đến những khối xi măng nặng nề và vô cảm, nhưng sự thật về những chậu hoa bằng bê tông này đã chứng minh điều ngược lại. Chúng không những chỉ  tiện lợi mà còn mang tính trang trí cao. Hơn nữa chúng lại còn được làm một cách đơn giản với những vật liệu rẻ tiền nhất. 



Tất cả những gì bạn cần để chế tạo những chiếc chậu như thế này là một lượng xi măng vừa đủ, những chiếc cốc nhựa hoặc giấy các cỡ và hình dáng khác nhau, loại to dùng làm khuôn ngoài, loại nhỏ dùng làm khuôn trong.  


Đầu tiên bạn trộn xi măng vào một chiếc chậu hoặc xô to, đủ để làm được nhiều chiếc một lúc. Sau đó dùng dao bả xúc xi măng đổ vào các vỏ cốc lớn sao cho gần đầy cốc.


Dùng chiếc cốc nhỏ đặt vào giữa rồi ấn mạnh cho chiếc cố tạo thành một phần hổng ở giữa, lưu ý đừng quá mạnh đến mức đáy hai chiếc cốc chạm nhau. 


Để nguyên cả khối qua đêm cho xi măng cứng hoàn toàn.


Bóc lớp khuôn ngoài và trong ra, nếu dính chặt quá có thể xé bỏ đi. 


Dùng giấy nhám đánh các góc cạnh cho trơn tru.


Và thế là ta đã có được những chiếc chậu trồng cây tuy thô mộc nhưng xinh xắn, và điều quan trọng là vô cùng độc đáo.

Tự làm chậu hoa treo

 Chuẩn bị:
- Giỏ trồng cây đan mây, tre, đường kính 20 - 30 cm. (Bạn có thể chọn mua giỏ treo bằng sợi nhựa, loại giỏ này sẽ bền hơn nhưng có một nhược điểm là giữ ẩm kém hơn.)
- Khoan và mũi khoan.
- Đất xốp.
- Cây cảnh.
Thực hiện:
Khoan lỗ thoát nước cho gáo dừa.

Sử dụng gáo dừa hoặc những chiếc bát gốm để lót giỏ, những chiếc bát này cần được khoan các lỗ thoát nước.
Dùng một lớp vải địa kỹ thuật lót vào giỏ để tạo lớp giữ ẩm. Nếu mua được loại đất có chứa sẵn chất giữ ẩm thì lớp vải này có thể bỏ qua. Đất dùng cho các loại giỏ này là đất xốp, có thể mua ở các hiệu bán giống cây trồng. Có loại đã được trộn sẵn phân bón, chất giữ ẩm và các chất khoáng khác. Nếu chưa trộn sẵn bạn có thể mua từng thành phần về rồi trộn theo hướng dẫn trên bao bì.
Thông thường, những cây mua ngoài cửa hàng được chia làm các giống khác nhau. Để trồng nhiều loại cây vào giỏ, cần lưu ý đến độ cao và tốc độ mọc của cây. Những loại cây cao hơn trồng vào giữa, các cây thân thảo thấp hơn trồng ra ngoài. Nên kết hợp các cây có nhiều màu sắc khác nhau tạo nên một tác phẩm pha trộn đẹp mắt. 
Sau khi trồng, tưới nhẹ một lượt lên cây để rửa sạch lá cây và tạo đổ ẩm cho đất. Vào mùa nóng nên tưới cây hàng ngày để tránh tình trạng cây héo do bị thiếu nước.

Giỏ cây đã chuẩn bị xong, bạn có thể treo lên bất kỳ chỗ nào cho dễ quan sát và tiện cho việc chăm sóc.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Dân dã "cà dái dê"


Cà tím hay cà dái dê  được sử dụng làm một loại rau trong ẩm thực. Quả tươi có mùi vị hơi không hấp dẫn, nhưng khi chế biến rồi thì nó trở thành dễ chịu hơn và có kết cấu rắn chắc, giàu hương vị. Nó đặc biệt hữu ích trong nấu ăn, nhờ đó nó có khả năng hấp thụ nhiều dầu mỡ hơn, tạo điều kiện để chế biến được các loại thức ăn giàu dinh dưỡng hơn. Cùi thịt của quả cà tím trơn mượt; các hạt mềm và có thể ăn được cùng với các phần còn lại của quả. Vỏ quả cũng có thể ăn được, mặc dù nhiều người thích gọt bỏ nó đi.Cà tím được sử dụng trong ẩm thực của nhiều quốc gia, từ Nhật Bản tới Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, cà tím thường được nấu cùng tía tô và có trong các món ăn như: cà bung, cà tím xào cần tỏi, cà tím om tôm thịt, cà tím nhồi thịt om cà chua, cà tím tẩm bột rán, cà tím làm dưa muối xổi.



Cách trồng và chăm sóc:
Bước 1: Gieo ươm cây giống
 Do hạt cà có vỏ gỗ cứng tương đối dày nên trước khi gieo phải ngâm nước 24-30 giờ, vớt ra ngâm tiếp trong nước ấm 50 độ C (2 sôi, 3 lạnh, vừa để diệt nấm bệnh, vừa kích thích cho hạt nhanh nẩy mầm) 1 giờ, ủ trong vải ẩm cho nứt nanh rồi đem gieo trên liếp ươm hoặc trong túi bầu. Gieo đều và thưa, cần tưới giữ ẩm cho đất 4-5 lần, tỉa bỏ những chỗ quá dày, những cây mọc yếu. Cây con có 5-6 lá thật, cao 6-8cm, khoẻ mạnh, thân mập đều là nhổ đem trồng
Bước 2: Làm đất, bón lót, trồng cây
 Chọn các loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, giàu mùn, tơi xốp, dễ thoát nước, có độ pH từ 6,8-7,2 là thích hợp nhất
Bước 3:Chăm sóc:
 Bón thúc lần 1 (10 ngày sau trồng): phân urê, phân KCl, bánh khô dầu
Bón thúc lần 2 (25-30 ngày sau trồng): phân urê, phân KCl
Bón thúc  lần 3 (45-50 ngày sâu trồng): phân urê, phân KCl, bánh khô dầu
Sau khi thu hoạch lứa quả thứ 2 nên bón thúc thêm phân urê, phân chuồng hoai mục ,bánh khô dầu cho cà sai quả và có thể thu được nhiều lứa.
 Chú ý kết hợp làm cỏ, vun gốc cho cà vào các đợt bón thúc. Thường xuyên tưới đủ ẩm cho cà sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là thời kỳ ra hoa, nuôi quả. Khi cây bắt đầu ra hoa nên tỉa bỏ bớt các cành nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cho gốc được thông thoáng. Khi cà ra đợt hoa thứ 2 thì bấm ngọn, hãm cành hạn chế chiều cao để cho cà ra nhiều cành nhánh quả. Khi cà bắt đầu phân nhánh thì làm giàn bằng tre, nứa cho cà
khỏi đổ. 

Bước 4: Thu hoạch
Thu hái khi quả đã lớn đẫy, căng đều, vỏ bắt đầu chuyển từ màu tím sang tím nhạt. Cách 2-3 ngày thu chọn một lần, không để cà quá già kém chất lượng. 
Để giống: Chọn những quả lớn đều, không sâu bệnh ở lứa quả thứ 2, thứ 3 để lại trên cây cho chín già làm giống. Thu về để thêm 1 tuần nữa cho chín hoàn toàn rồi mới bổ lấy hạt rửa sạch, phơi nơi thoáng mát cho khô hẳn để làm giống cho vụ sau. 




Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

TỰ LÀM MỘT GIÀN TREO HOA ĐƠN GIẢN

Mục tiêu nhắm tới của dự án nho nhỏ này là làm một giàn treo hoa bằng sắt có thể treo được 3 chậu hoa loại bằng nhựa đường kính 15cm. Hoa cảnh chọn trồng trong chậu thuộc loại dễ sống, dễ tìm, dễ chăm sóc...

Bước 1:
Uốn 3 vòng sắt đường kính 13.5cm, 3 vòng này sẽ vừa khít và nấc thứ 2 của chậu nhựa trồng hoa.
Cắt 4 đoạn sắt hộp vuông loại nhỏ sao cho khi ráp lại tạo thành một khung chữ nhật đỡ được 3 vòng sắt trên
 Bẻ hai thanh sắt mềm thành hai hình vuông cạnh 10cm, đây sẽ là 2 tay đỡ cho giàn treo hoa
hàn dính các bộ phận lại với nhau và sơn một lớp chống rỉ
 Phủ sơn đen bóng bên ngoài cho đẹp
 bây giờ thì gắn 2 dây xích hai bên , vào hai quai hình vuông và treo lên. Giàn treo đã sẵn dàng để thêm chậu kiểng vào.

Sản phẩm hoàn thiện nhìn từ bên trên


Nhìn từ bên dưới

và nhìn từ xa....................................
phần hai quai hình vuông nhô ra bên dưới là để ta có thể treo thêm 1 và... nhiều tầng như thế này.. bên dưới... Khi làm xong nhiều tầng, và treo cùng nhau, ta sẽ có nguyên một giàn treo lớn rất đẹp

Xanh Mát Giàn Qủa Leo



Giàn cây trong không gian chật hẹp của đô thị có ý nghĩa biết bao về môi trường sống được cải thiện, màu xanh ngát của hoa lá cho chúng ta được thanh thản, thư thái.Giàn cây cho chúng ta được vận động, có công việc với những Rau, Hoa, Quả, Cảnh… Giàn “bắt” chúng ta bận rộn hạnh phúc trong những cái vui nho nhỏ thường nhật như: Con trẻ được trải nghiệm với những gì không được học ở trường… Cho chúng ta sự năng động với không khí an lành, cho mỗi gia đình một không gian riêng biệt mà không bao giờ nhàm chán… Giàn cây leo cho tràn trề niềm vui trong khuôn viên tự nhiên ngay tại chính nhà mình… 



         Với cái mát lạnh mỗi tối mùa hè hay niềm vui mỗi dịp cuối tuần của cả gia đình: Dưới giàn chúng ta hoan hỉ nhìn con trẻ nô đùa, bình thản thưởng thức tách trà với dăm ba câu chuyện phiếm. Được nhấm nháp hạnh phúc trong vườn nhà, ngay dưới giàn Thiên lý với những Bầu cùng Bí, một bữa tiệc từ những sản phẩm tự sản tự tiêu, sinh thái làm niềm phấn khích nhẹ nhàng cho những ngày tới.



         Giàn cây như chiếc mũ lưỡi trai hay Vành rộng, cho chúng ta cảm giác yên ổn giữa trời: Giàn che nắng gắt, giảm chói sáng; dưới giàn là cả không khí mát mẻ,gần gũi thanh bình, giàn cây là nơi cho ta được trung hòa nhịp sinh học, cởi mở và san sẻ. Nếu khéo, dưới giàn cây là nơi hạnh phúc được nhen nhóm, thăng hoa, là nơi xum vầy đoàn tụ bởi dấu ấn những kỷ niệm khó phai.



         




Giàn Hoa Leo Cho Nhà Phố

1.Sử quân tử
Còn gọi là dây giun , trang dây là loài cây leo có cánh hoa nhỏ xinh , cánh hồng phơn phớt trắng hay màu đỏ tươi mọc thành từng chùm khoe sắc trong nắng sớm , rung rinh khi cơn gió nhẹ thổi qua . Cây sử quân tử được dùng nhiều trong trang trí do màu đỏ rất đẹp , cây xanh quanh năm , dễ trồng 


2. Hoa Huỳnh Anh
Là một loại hoa leo mới được nhập từ Thái Lan vào nước ta , cây cho hoa màu vàng tươi, mỏng manh như cánh bướm nhìn rất đẹp và dễ thương, được nhiều người chơi cây cảnh yêu thích . Hoàng thảo là loại hoa leo phát triển mạnh , cho hoa vàng rực rỡ , rất thích hợp để trồng ban công , tường rào .



3.Hoa Cát đằng
Người ta coi hoa Cát Đằng là biểu tượng cho một tình yêu quảng đại và có ý nghĩa “ Đừng dồn tôi vào bước đường cùng”. Cây hoa Cát Đằng - loại cây cho hoa đẹp nên trồng làm đẹp thêm sinh cảnh . Đây là loài cây leo rất đẹp , phù hợp với khí hậu nước ta , cây được trồng phổ biến nơi tường hoa , cổng rào .



4.Hoa tigon:
Cây cho hoa quanh năm nhưng rõ nhất vào mùa hè và mùa thu. Tigon cần được leo trên giàn thưa vì than leo chằng chịt và phát triển rất khỏe. Nó cũng không kén đất, không cần nhiều nước, thích hợp trồng trên cao như sân thượng để lấy cảnh đẹp và bong mát. Bạn có thể trồng tigon bằng cách gieo hạt hoặc bứng gốc cây con từ cây mẹ.


5.Hoa hồng leo 
Hoa hồng vừa đẹp vừa có hương thơm nên mọi người đều yêu thích.Cây phát triển khá nhanh nếu môi trường thích hợp, nên trồng ở những nơi có diện tích nhỏ: cột, cổng hay một khoảng vách nào đó hoặc có thể trồng bôn hoa trên cao để cho cây vươn xỏa dài ra.

Bí Quyết Trồng Giàn Leo Đẹp

   Những cây hoa leo thường rất dễ trồng và phát triển tốt với khí hậu Việt Nam. Nhưng nếu muốn trồng một giàn hoa trước nhà bạn cũng cần phải lưu ý một vài điểm về lựa chọn và chăm sóc cây.





1.Với những loài cây hoa leo, nếu muốn có nhiều hoa, bạn nên trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Khi cây đang ra hoa, bạn nên hạn chế bón quá nhiều phân đạm vì như thế sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc ra hoa của cây. Lưu ý là những cây hơi cằn cỗi thường cho hoa đẹp và đậm màu hơn những cây được chăm bón quá tươi tốt. 

2.Nên thường xuyên kiểm tra cây, cắt bớt những cành khô, cành rối. Thu dọn lá khô vàng để giàn hoa luôn tươi mới. Nên chọn những dây leo to khỏe để làm dàn hoa tạo hình dáng cố định.

3.Bên cạnh đó, theo quan niệm về phong thủy thì những dàn cây trước nhà nhất định phải có hoa. Cây không được quá rậm rap làm ngôi nhà trở nên âm u. Cây trồng phải luôn xanh tươi, lá cây cũng không nên chọn loại có hình kim và quá dày. 

4.Theo quan niệm của người Việt Nam thì loại cây trồng trước nhà tốt nhất nên có màu xanh tươi và hoa sặc sỡ.


5.Ngoài ra, với mỗi ngôi nhà với kiểu dáng, thiết kế khác nhau, chủ nhà nên có những lựa chọn khác nhau về cây hoa leo với màu hoa phù hợp.
Web Analytics